Thiết kế và chế tạo Haruna (thiết giáp hạm Nhật)

Thiết kế

Haruna là chiếc thứ tư và là chiếc cuối cùng thuộc lớp tàu chiến-tuần dương Kongō của Hải quân Đế quốc Nhật Bản, một lớp tàu chiến chủ lực được kỹ sư hàng hải người Anh George Thurston thiết kế.[3] Lớp này được đặt hàng vào năm 1910 trong đạo luật Phát triển Hải quân Nhật Bản khẩn cấp sau khi chiếc HMS Invincible của Hải quân Anh được đưa ra hoạt động vào năm 1908.[5] Bốn chiếc tàu chiến-tuần dương của lớp Kongō được thiết kế để nhằm bắt kịp khả năng của các thế lực hải quân lớn trên thế giới vào thời đó; chúng được gọi là phiên bản tàu chiến-tuần dương của chiếc thiết giáp hạm Anh Quốc HMS Erin nguyên trước đây thuộc Hải quân Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ).[1][2] Với trang bị vũ khí hạng nặng và vỏ giáp dày (chiếm đến 23,3% so với tổng lượng choán nước của nó khoảng 30.000 tấn),[2] Haruna và các con tàu chị em với nó có ưu thế vượt trội đáng kể so với tất cả các tàu chiến chủ lực Nhật Bản khác vào lúc đó.[1]

Haruna được đặt lườn tại Kôbe bởi hãng Kawasaki vào ngày 16 tháng 3 năm 1912, với đa số các linh kiện dùng để chế tạo nó được sản xuất ngay tại Nhật Bản.[2][5] Do sự thiếu hụt các ụ đóng tàu sẵn có, Haruna và con tàu chị em Kirishima là hai chiếc tàu chiến chủ lực đầu tiên của Hải quân Đế quốc Nhật Bản được đóng tại một xưởng đóng tàu tư nhân.[2] Được hạ thủy vào ngày 14 tháng 12 năm 1913, công việc trang bị cho Haruna được tiến hành vào đầu năm 1914.[1] Vào ngày 15 tháng 12 năm 1914, Đại tá Hải quân Kajishiro Funakoshi được chỉ định làm sĩ quan trang bị trưởng của con tàu,[5] và nó được hoàn tất vào ngày 19 tháng 4 năm 1915.[2]

Vũ khí

Haruna đang được hoàn tất tại Kôbe, tháng 10 năm 1914

Dàn pháo chính của Haruna bao gồm 8 khẩu pháo cỡ nòng 356 mm (14,0 in) bố trí trên bốn tháp pháo, gồm 2 phía trước và 2 phía sau;[3] các tháp pháo này được Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ ghi nhận là tương tự như tháp pháo 15 inch của Anh[6] với những sự cải tiến làm kín chớp lửa đạn. Mỗi khẩu có thể bắn ra hai đầu đạn phá công suất cao hay đầu đạn xuyên thép mỗi phút với tầm xa 35,5 km (38.770 yard).[7] Tuân theo học thuyết hải chiến của Nhật, trong đó sẽ bố trí các tàu chiến mạnh hơn trước các đối thủ, Haruna và các tàu chị em của nó lần đầu tiên trên thế giới được trang bị pháo với cỡ nòng lớn 356 mm (14 inch).[8]

Mỗi khẩu trong dàn pháo chính có thể bắn đạn công phá hay đạn xuyên thép với tầm xa tối đa 38.770 thước Anh (19,14 nmi; 35,45 km) và với tốc độ hai phát mỗi phút.[7] Tuân theo học thuyết của Hải quân Nhật Bản trong việc bố trí tàu chiến mạnh mẽ hơn đối thủ, Haruna cùng các tàu chị em là những tàu chiến đầu tiên trên thế giới được trang bị pháo cỡ nòng 14 inch (36 cm).[8] Các khẩu pháo chính mang theo 90 quả đạn, và có tuổi thọ nòng pháo khoảng 250-280 lần bắn.[6] Vào năm 1941, chất phẩm nhuộm màu riêng biệt được áp dụng cho đạn pháo xuyên thép trên bốn chiếc thuộc lớp thiết giáp hạm Kongo, và Haruna được trang bị đạn pháo xuyên thép nhuộm màu đen.[6]

Dàn pháo hạng hai thoạt tiên bao gồm mười sáu khẩu pháo hạng trung 6 inch (15 cm) cỡ nòng 50 caliber bố trí trong các tháp pháo ụ đơn, tất cả đều được đặt giữa tàu,[1] cùng tám khẩu pháo 3 inch (7,6 cm) và tám ống phóng ngư lôi 21 inch (53 cm) ngầm dưới mặt nước.[3] Kiểu pháo 6 inch/50 caliber có thể bắn với tốc độ năm đến sáu phát mỗi phút và có tuổi thọ nòng pháo 500 phát đạn;[9] chúng có khả năng bắn cả đạn chống hạm lẫn đạn phòng không, mặc dù vị trí các khẩu pháo trên chiếc Haruna khiến cho việc tác xạ phòng không không khả thi.[1] Trong đợt tái cấu trúc lần thứ hai, các khẩu pháo 3 inch cũ được tháo dỡ thay thế bằng tám khẩu 5 inch (13 cm) đa dụng. Các khẩu 5 inch/40 caliber này có thể bắn từ 8 đến 14 phát mỗi phút, với tuổi thọ nòng pháo từ 800 đến 1.500 phát;[10] kiểu pháo này trên chiếc Haruna có nhiều loại đạn pháo khác nhau, được thiết kế để bắn đạn phòng không, đạn chống hạm và pháo sáng.[10] Haruna cũng được trang bị một số lượng lớn súng máy 1 inch (2,5 cm). Đến năm 1943, hỏa lực hạng hai của Haruna được cấu trúc lại thành 14 khẩu pháo hạng trung 6 inch (15 cm), tám khẩu pháo 5 inch (13 cm) đa dụng và 122 pháo tự động phòng không Kiểu 96.[4]